Quay lại

Thông tin tuyển sinh

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO: CÔNG NGHỆ DỆT  MAY

MÃ TUYỂN SINH:               TX1, TX1x, TX1y

TỔ HỢP XÉT TUYỂN:

A00: Toán, Lý, Hóa

A01: Toán, Lý, Anh

D07: Toán, Hóa, Anh

(Môn chính: Toán)

Mã xét tuyển cho thí sinh tham dự kỳ Kiểm tra tư duy:  K00

Chỉ tiêu: 220

ĐIỂM TUYỂN SINH QUA CÁC NĂM:

Năm 2016: 23.19 điểm

Năm 2017: 24.50 điểm

Năm 2018: 20.0 điểm

Năm 2019: 21.88 điểm

Năm 2020: 23.04 điểm

Năm 2021: 23.99 điểm

Năm 2022: 23.01 điểm

5 lý do để trở thành sinh viên ngành Công nghệ dệt may – TX1

         1. Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dệt may, da giầy. Sản phẩm dệt, may, da giầy của Việt Nam đã có mặt trên 80 nước ở khắp các châu lục. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản... Kim ngạch xuất khẩu của dệt may, da giầy đã đóng góp hơn 62 tỷ USD (bằng 24%) kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm dệt may Việt Nam đã đạt 57%, đạt gần mục tiêu 60% của năm 2025, đóng góp tích cực vào chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng của Đảng và Chính phủ. Bên cạnh đó, ngành Dệt May, Da giầy đóng góp lớn vào an sinh xã hội, chuyển đổi lao động nông thôn sang lao động công nghiệp, sử dụng lượng lao động rất lớn kể cả trực tiếp và gián tiếp.

Ngày 29/12/2022, Thủ tướng CP đã ký và phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Hiện tại, các phương thức sản xuất sản phẩm dệt may, da giầy đang cơ cấu theo tỉ lệ: CMT (gia công may): dưới 30%, FOB (tự chủ về nguyên liệu): 55%, ODM (tự chủ về thiết kế) và OBM (thương hiệu Việt Nam): 15%. Trong thời gian tới, để tận dụng hết các ưu đãi từ các Hiệp định FTA và CP TPP, các doanh nghiệp dệt may, da giầy cần phải nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đảm bảo nguyên tắc xuất xứ nguyên liệu tại Việt Nam, nâng cao giá trị gia tăng tỉ lệ sản xuất sản phẩm theo phương thức ODM và OBM, rất cần thiết nâng cao hàm lượng trí tuệ, tạo ra các thương hiệu thiết kế thời trang của người Việt Nam trên thị trường thế giới và trong nước. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học cho ngành sợi, dệt, nhuộm, may, thời trang và da giầy sẽ tăng cao. Chính vì vậy, người học sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn, có cơ hội nhận học bổng từ các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức: Học bổng hỗ trợ học tập, hỗ trợ thực tập tại doanh nghiệp, hỗ trợ khi nghiên cứu khoa học, làm đồ án tốt nghiệp v.v. và cơ hội việc làm luôn rộng mở.

        2. Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đào tạo có bề dầy truyền thống với 68 năm đào tạo kỹ sư, cử nhân ngành Dệt May (từ năm 1956 đến nay), là cơ sở uy tín trong cả nước được Bộ GDT giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành dệt may; là cơ sở duy nhất đào tạo trình đ đại học (cử nhân, kỹ sư) chuyên ngành da giầy. Viện có mối liên kết uy tín với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da Giầy – Túi xách Việt Nam và các doanh nghiệp Dệt May, Da Giầy trong cả nước. Đội ngũ giảng viên giầu kinh nghiệm, có trình độ cao, được đào tạo từ các nước tiến tiến trên thế giới như Pháp, Áo, Nhật bản, Đức, Tiệp khắc, Hàn Quốc, Đài Loan... Viện xây dựng được mối quan hệ hợp tác, trao đổi về học thuật với các cơ sở đào tạo trên thế giới: tham gia hội thảo khoa học quốc tế, đăng các công trình khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín,  đào tạo cán bộ trẻ, thực tập sinh khoa học và hợp tác nghiên cứu hoặc tài trợ vật chất. Những Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ tốt nghiệp từ Viện là lực lượng nòng cốt trong quản lý, sản xuất, giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghiên cứu, trung tâm kiểm định trong lĩnh vực dệt may, da giầy ... đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, cho sự phát triển chung của ngành Dệt May, Da giầy và sự nghiệp phát triển kinh tế chính trị của đất nước.

           3. Chương trình đào tạo Công nghệ dệt may của Đại học Bách khoa Hà Nội được thiết kế theo chuẩn quốc tế CDIO hiện đại, hội nhập với học liệu gồm các giảng đường, phòng thực hành thiết bị hiện đại và trên 50 giáo trình đào tạo do các giảng viên của Viện xuất bản. Người học được cung cấp kiến thức lý thuyết và thực hành tiên tiến, được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp tiên tiến nhất.

Năm 2022, chương trình đào tạo Công nghệ dệt may của Viện đã đạt chuẩn kiểm định giáo dục đại học quốc tế của tổ chức AUN-QA.

Thực tế hơn 68 năm qua, với kiến thức được trang bị, các em sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Công nghệ dệt may của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng dệt may trong nước và quốc tế, 100% có việc làm sau khi tốt nghiệp từ 1 – 3 tháng và có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Các vị trí việc làm tiêu biểu:

  • Kỹ sư công nghệ, thiết kế sản phẩm; Quản lý kỹ thuật; Quản lý, điều hành sản xuất tại các doanh nghiệp Sợi, Dệt, Nhuộm và hoàn tất, May và Thời trang, Giầy và sản phẩm da (túi, cặp ...); Các cơ sở kinh doanh của Việt Nam và nước ngoài về nguyên phụ liệu, sản phẩm, thiết bị Sợi, Dệt, Nhuộm và Hoàn tất, May, Thời trang, Da giầy;
  • Giảng viên, nhà nghiên cứu tại các trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu, Trung tâm kiểm định chất lượng Dệt, May, Thời trang, Da giầy;
  • Tự khởi nghiệp;
  • Học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tại Việt Nam hoặc nước ngoài.

            4. Khi chọn học ngành Công nghệ dệt may tại Đại học Bách khoa Hà Nội, các em được định hướng, đồng hành và nhận được sự quan tâm từ đội ngũ Giảng viên giầu tâm huyết, có chuyên môn vững chắc. Được tham gia các hoạt động Đoàn, Hội và các hoạt động mang tính chất chuyên môn như nghiên cứu khoa học, tham gia cuộc thi thiết kế thời trang. Các em sẽ được gia nhập “ngôi nhà chung dệt may thân yêu” của các thế hệ sinh viên, cán bộ và giảng viên với sự tôn trọng cá nhân, với sự đoàn kết, với tinh thần tận tâm, tận lực để đổi mới, đột phá và thành công. Sau khi tốt nghiệp, các em có khả năng thích nghi với môi trường làm việc trong nước và nước ngoài; có thể chủ động hoà nhập với môi trường làm việc trong sản xuất, trong kinh doanh, trong nghiên cứu và trong đào tạo trình độ cao.

                   5. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp:

  • 100% sinh viên có việc làm ngay ra trường có mức lương khởi điểm từ 10 – 24 triệu đồng;
  • Trở thành các cán bộ kỹ thuật, các nhà quản lý chủ chốt trong các doanh nghiệp Dệt May, Da giầy.
  • Học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tại Việt Nam hoặc nước ngoài.

Thời gian đào tạo:

  • Đào tạo Cử nhân (4 năm), người tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân (đại học).
  • Đào tạo tích hợp Cử nhân - Kỹ sư (5 đến 5,5 năm), người tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân (đại học) và bằng Kỹ sư (văn bằng chuyên sâu đặc thù, tương đương trình độ thạc sĩ, xếp bậc trình độ 7 trong Khung trình độ quốc gia).
  • Đào tạo tích hợp Cử nhân - Thạc sĩ (5,5 năm), người tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân (đại học) và bằng Thạc sĩ (sau đại học).

Cơ hội học bổng và hỗ trợ học tập:

  • Nguồn học bổng của Trường ĐHBK Hà Nội.
  • Các suất học bổng doanh nghiệp từ 2 - 8 triệu đồng/năm dành cho khoảng 20% sinh viên có thành tích học tập tốt, sinh viên nghèo vượt khó.
  • Từ năm học 2020-2021, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã trao học bổng đầu vào và suốt các năm học cho con em địa phương không giới hạn số lượng. Học bổng bằng giá trị học phí của sinh viên theo từng năm học, ước tính khoảng 30 triệu đồng/1 sinh viên/1 năm học.
  • Năm 2023, 02 doanh nghiệp là Công ty TNHH Best Pacific Việt Nam và Văn phòng đại diện Torray tại Hà Nội sẽ tài trợ  mỗi công ty 03 suất học bổng dành cho sinh viên K68 đỗ vào ngành Công nghệ dệt may - TX1 với điểm đầu vào cao nhất, tổng cộng gồm 06 suất, mỗi suất trị giá 15 triệu đồng.

Để có thêm thông tin:

Thông tin chính thức từ ĐHBK Hà Nội: https://ts.hust.edu.vn/

Thông tin về ngành nghề trên Fanpage

Thông tin trên Group Facebook


Thống kê truy cập Thống kê truy cập

1 2 2 7 7 7 8 1
Đang online: 149
Hôm nay: 52
Trong tuần: 12066
Trong tháng: 19603